Đánh giá chất lượng giáo dục: “Ba sôi, hai lạnh”

Đánh giá chất lượng giáo dục: “Ba sôi, hai lạnh”

Có sự "vênh" nhau khá lớn trong việc đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nhằm chấn hưng nền giáo dục nước nhà giữa các quan chức ngành giáo dục và dư luận xã hội, đặc biệt là trong giới nghiên cứu. Một bên khẳng định thành tích l&a 

Đây là mâu thuẫn trong việc đánh giá thực trạng nền giáo dục nước nhà thời gian gần đây mà GS Chu Hảo đưa ra qua bài viết Cải cách triệt để hay tiếp tục “đổi mới” dưới đây. 

Đánh giá chất lượng giáo dục: “Ba sôi, hai lạnh”

Chất lượng ngày càng kém, báo cáo vẫn ấn tượng

Trong các văn bản chính thức (đã công bố hoặc chưa) của Bộ GD-ĐT, thành tích của ngành được liệt kê bằng các con số cụ thể rất ấn tượng, đáng tin hay không thì còn phải xem, nhưng nói chung là khá đẹp. Còn thiếu sót thì cũng nêu khá đầy đủ, nhưng rất chung chung đại khái và chẳng quy trách nhiệm cụ thể cho cấp nào. Đây chính là công thức "ba sôi, hai lạnh" luôn luôn được sử dụng ở nước ta trong mọi báo cáo tổng kết của các cấp, các ngành. Dư luận xã hội thì lại cho rằng đã mấy chục năm nay nền giáo dục nước nhà ngày càng kém chất lượng và thiếu hiệu quả dẫn đến yếu kém trên cả ba phương diện: Nâng cao dân trí, Đào tào nhân lực, và Bồi dưỡng nhân tài.  

Kết quả không mong đợi ấy xuất phát từ những nguyên nhân sau:

1. Hệ thống GDQD của chúng ta không đồng bộ, không liên thông, mất cân đối trầm trọng.

2. Nội dung giáo dục (chương trình, sách giáo khoa) của chúng ta bất cập về mặt khoa học, rất nặng nề về thời lượng và nhiều nội dung không thiết thực. 

3. Phương pháp dạy và học ở các cấp đều lạc hậu, cơ sở vật chất và kỹ thuật quá thiếu thốn.

4. Công tác quản lý giáo dục  yếu kém thể hiện ở ba mặt: Tài chính công được sử dụng kém hiệu quả và không minh bạch; thiếu vắng hẳn đội ngũ chuyên gia về phát triển chương trình giáo dục; không coi trọng hệ thống đo lường, trắc nghiệm để đánh giá giáo dục một cách khách quan và thường xuyên.

5. Chưa đủ hệ thống pháp luật để đảm bảo hành lang pháp lý cho các hoạt động giáo dục. Chẳng hạn chưa có văn bản luật pháp điều chỉnh hoạt động của các trường tư bất vụ lợi, là loại trường tư cần được khuyến khích. Trong khi đó đã vội vàng xóa bỏ các trường bán công và đã có quy định cụ thể cho các trường tư (cổ phần) vì lợi nhuận, là loại trường chưa hẳn đã nên được khuyến khích thành lập tràn lan dưới danh nghĩa "xã hội hóa".

Tầm vĩ mô: Tư duy trì trệ

Những nguyên nhân trực tiếp trên đây lại xuất phát từ một nguyên nhân căn bản hơn, bao trùm lên các nguyên nhân khai thác. Đó là sự trì trệ trong việc đổi mới tư duy về giáo dục ở tầm vĩ mô, hoạch định chính sách.

Điều đó được thể hiện trước hết ở chỗ chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của giáo dục trong thời đại mới. Mặc dù đã từ lâu, đặc biệt là từ NQTW2 khóa 8 năm 1997, Đảng và Nhà nước đã khẳng định Giáo dục và Đào tạo là quốc sách hàng đầu. Nhưng trên thực tế thì từ đó đến nay công tác chỉ đạo thực hiện quốc sách hàng đầu này từ cấp cao nhất trở xuống chắc là đã bị buông lỏng.

Chính vì vậy mà nền giáo dục của chúng ta đang tụt hậu xa hơn nữa, chẳng những so với nhiều nước khác, mà còn so với yêu cầu của chính mình. Chậm đổi mới tư duy còn được thể hiện cụ thể hơn nữa ở việc duy trì trong thực tiễn,  những quan điểm giáo dục lạc hậu so với triết lý giáo dục chuẩn mực của những xã hội văn minh.

Nền giáo dục này đang thực hành kiểu nhồi nhét kiến thức như "chất vào kho"; và khuyến khích sự thụ động, khuôn sáo và tinh thần khoa cử. Điều này trái hẳn với triết lý Giáo dục nhân văn và sáng tạocủa nền văn minh hiện đại.

Trong thực tiễn nền giáo dục của chúng ta không tạo được niềm vui hạnh phúc khi tới trường. Ngày nay đi học là một gánh nặng, nhất là ở cấp học phổ thông. Đối với rất nhiều em tới trường là một nỗi nhọc nhằn, khổ sở; tuổi thơ của các em đang bị "đánh cắp" bởi một chương trình giảng dạy nặng nề, nhàm chán và không thiết thực. Điều này trái hẳn với triết lý Hạnh phúc giáo dục của nền văn minh hiện đại.

Trong thực tiễn nền giáo dục của chúng ta không tạo dựng được sự Công bằng về cơ hội học tập cho mọi người, đặc biệt là cho trẻ em ở tuổi nhà trẻ và mẫu giáo.

Hàng năm, nước ta có khoảng 8 triệu trẻ em dưới 6 tuổi; trong số đó chỉ có khoảng hơn 3 triệu em được đến nhà trẻ, lớp mẫu giáo. Ngay cả các em được đến lớp ấy cũng chưa chắc gì được nuôi dạy một cách chu đáo như mới đây chúng ta được chứng kiến hình ảnh một nhà trẻ ở Đồng Nai. Vậy mà lứa tuổi cần được hưởng sự công bằng về cơ hội học tập nhất lại là lứa tuổi từ dưới 1 đến 5. Điều này trái hẳn với triết lý Công bằng giáo dục của nền văn minh hiện đại.

Trong thực tiễn nền giáo dục của chúng ta áp dụng một hệ thống quản lý tập trung quá mức. Nhà nước ôm vào mình những chức năng không cần có, làm mất quyền chủ động, linh hoạt của các cấp cơ sở. Quyền tự quản không được thực thi, đặc biệt là ở các trường Đại học. Điều này trái hẳn với triết lý Dân chủ giáo dục của nền văn minh hiện đại.

Cần một tổng công trình sư tài giỏi

Từ những nhận xét trên đây, có thể thấy rằng một cuộc cải cách toàn diện và triệt để hệ thống giáo dục của nước ta là một yêu cầu cấp bách, không thể nấn ná được nữa, không thể tiếp tục tiến hành những Đề án Đổi mới chắp vá và thiếu hiệu quả như hơn hai mươi năm vừa qua được nữa.

Một giải pháp tổng thể và đồng bộ nhằm chấn hưng (hay là làm lại?) nền giáo dục nước nhà không thể được đề xuất trong một thời gian ngắn (dưới 6 tháng), và chỉ bởi các chuyên gia trong nội bộ ngành giáo dục hoặc một nhóm chuyên gia độc lập nào. Phải coi đây là một Công trình lớn của quốc gia, phải được chuẩn bị chu đáo một vài năm, với sự tham dự của các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau và dưới sự lãnh đạo của một Tổng công trình sư tài giỏi, công tâm và chuyên trách (chứ không kiêm nhiệm, làm "tay trái" như lâu nay vẫn thường xảy ra).

Vì vậy chúng tôi hoàn toàn tán thành với kiến nghị của Đề tài Nghiên cứu về cải cách Giáo dục, do bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước) chủ trì, về việc thành lập Ủy ban Cải cách giáo dục Quốc gia, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch nước, với nhiệm vụ: trong thời gian từ nay đến năm 2010 soạn thảo chiến lược cải cách và phát triển giáo dục giai đoạn 2010 đến 2020 với tầm nhìn đến 2030 và xa hơn. Trong khi chờ đợi chúng tôi xin đề nghị tiến hành ngay một số biện pháp cấp bách sau đây:

1. Tạm dừng việc soạn thảo "Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2008-2020" mà Bộ Giáo dục đang tiến hành. Trước hết phải đặt câu hỏi vì sao lại chọn thời điểm từ 2008 trong khi chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2001-2010 đã được Chính phủ phê duyệt đang được thực hiện và chưa đánh giá tổng kết? Sau nữa là vì nội dung bản dự thảo còn rất nhiều bất cập như ý kiến của nhiều người đã được lấy ý kiến tham khảo.

2. Kiên quyết không mở thêm mới các dự án lớn và tạm dừng các dự án đang làm thiếu hiệu quả của ngành giáo dục như Chính phủ đã thực hiện đối với các dự án khác trong Chiến dịch chống lạm phát hiện nay.

3. Tiến hành kiểm tra tài chính công cho Giáo dục (không phải chỉ do Bộ GD-ĐT quản lý) và công khai, minh bạch mọi khoản chi tiêu trong 10, 15 năm gần đây. 

4. Thực hiện ngay một số biện pháp đột phá trong quản lý giáo dục để chuẩn bị tiền đề cho công cuộc cải cách sẽ được thực thi trong vài năm tới. Không có hệ thống quản lý giáo dục (con người, bộ máy và cơ chế) tốt thì không có cuộc cải cách nào có thể thành công. 

GS Chu Hảo

THIẾT BỊ GIÁO DỤC VÀ ĐỒ CHƠI MẦM NON MAI VÀNG

- Trụ sở: Lô CC1 KĐT mới Mễ Trì Hạ - P. Mễ Trì - Q. Nam Từ Liêm - Tp. Hà Nội

- VPGD: Số 103 Vạn Phúc - Hà Đông - Hà Nội

- Email: thietbigiaoducmaivang@gmail.com

- Điện thoại: 0923498868