Mầm non tư thục TP.HCM: Yếu và thiếu

Những gia đình có thu nhập thấp thường gửi con vào những cơ sở tư nhân có mức phí rẻ. Nhưng những nơi đó thường có cơ sở vật chất không đạt tiêu chuẩn và chất lượng nuôi dạy trẻ chỉ ở mức trung bình hoặc kém. Do đó, việc hỗ trợ các trường mầm non tư thục là một vấn đề cần được xem xét.
Những gia đình có thu nhập thấp thường gửi con vào những cơ sở tư nhân có mức phí rẻ. Nhưng những nơi đó thường có cơ sở vật chất không đạt tiêu chuẩn và chất lượng nuôi dạy trẻ chỉ ở mức trung bình hoặc kém. Do đó, việc hỗ trợ các trường mầm non tư thục là một vấn đề cần được xem xét. 
Trẻ tại trường mầm non 19/5. Ảnh Đ.T

Cơ sở vật chất yếu, thiếu giáo viên

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, TP.HCM hiện có 639 trường mầm non trong đó có 385 trường công lập, 254 trường tư thục và 815 nhóm lớp tư thục. Và theo đánh giá của các nhà quản lý giáo dục, chất lượng ở các nhóm trẻ gia đình chưa thật sự làm phụ huynh yên tâm.

Tại Hội thảo nâng cao chất lượng mầm non ngoài công lập, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Trưởng phòng giáo dục Mầm non của Sở, cho biết: "Qua khảo sát, số lượng nhóm trẻ tư nhân tập trung đông ở các quận ven, bao gồm Bình Thạnh (100 cơ sở), Tân Bình (80 nhóm), Tân Phú (96 nhóm) và quận 12 (68 nhóm). Do thu học phí thấp nên nhiều cơ sở chỉ hợp đồng với những giáo viên chưa qua đào tạo hay chỉ là đào tạo cấp tốc". Thậm chí, một vài nơi không hề có giáo viên, chẳng hạn như quận Gò Vấp có 2 cơ sở và 2 nhóm không có giáo viên. Theo khảo sát của quận Gò Vấp, hiện có 23 cơ sở còn thiếu giáo viên, mỗi lớp chỉ có 1 giáo viên và 1 nhân viên phục vụ.

Trong báo cáo của Sở, cơ sở vật chất dành cho nhiều nhóm trẻ gia đình hiện nay chất lượng chỉ ở mức trung bình hoặc kém: mặt bằng chật, phòng hẹp, thiếu sân chơi, thiếu ánh sáng, không đảm bảo an toàn. Nhiều nơi dùng nhà ở của gia đình để làm nơi giữ trẻ nên không bảo đảm các tiêu chuẩn cần có đối với một cơ sở giữ trẻ.

Vừa qua, sau khi kiểm tra đột xuất tất cả 35 nhóm trẻ gia đình ở quận 9, đoàn kiểm tra của UBND Quận 9 đã đề nghị ngừng hoạt động đối với 8 nhóm không đáp ứng các điều kiện tối thiểu. Tại quận Gò Vấp, cơ quan chức năng phát hiện 13 cơ sở chưa gia hạn giấy phép hoạt động, 1 nhóm không chấp hành quyết định yêu cầu ngưng hoạt động, và 6 cơ sở hoạt động không có giấy phép.

Ngoài cơ sở vật chất, các nhà quản lý giáo dục và các bậc cha mẹ cũng băn khoăn về chất lượng nuôi dạy trẻ, vì sĩ số trẻ tại một cơ sở có khi rất đông nên cô giáo khó có thể chăm sóc tốt cho từng em. Cụ thể là nhóm trẻ ở 228 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, có sĩ số là 70 trẻ. Một vấn đề nữa là nhiều cơ sở vẫn chưa công khai chi phí ăn và cũng không chi hết tiền ăn hàng ngày dành cho trẻ.

Đề nghị mở thêm trường

Tại Hội nghị, có khá nhiều ý kiến về việc mở thêm trường mầm non tại tất cả các quận, huyện của thành phố. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh đề nghị: "Yêu cầu lãnh đạo các địa phương còn “trắng” về giáo dục mầm non phải xây dựng tại mỗi phường, xã ít nhất một trường công lập.

Cụ thể là các quận 4, 6, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp và Thủ Đức. Các quận huyện chưa đáp ứng đủ nhu cầu gửi con của người dân cần phải cải tạo, nâng cấp, xây dựng lại các trường mầm non công lập đã xuống cấp để có thêm mặt bằng tiếp nhận trẻ em được gửi đến”. Bà Thanh cũng cho biết: "Theo khảo sát, tỉ lệ bình quân số phụ huynh có thu nhập thấp ở mỗi địa phương là 30%, và số phụ huynh này chỉ đủ tiền gửi con ở các cơ sở công lập mà thôi. Do đó, các trường công lập phải đáp ứng được nhu cầu gửi con của những phụ huynh có thu nhập thấp đó".

Cũng có nhiều ý kiến cho rằng nên khuyến khích tư nhân xây dựng trường tư thục chất lượng cao bằng cách Nhà nước hỗ trợ về đất đai, mặt bằng và thủ tục. Theo bà Lê Thị Tại, Trưởng phòng Giáo dục quận Gò Vấp, trên địa bàn quận có một trường ở vị trí thuận lợi và chủ trường cũng là người có tâm huyết với nghề. Nhưng khi muốn mở rộng trường bằng nguồn vay kích cầu thì chủ trường đã gặp quá nhiều trở ngại về thủ tục đến mức phải nghĩ đến chuyện… đóng cửa!

Chính TS Hồ Thiệu Hùng, nguyên là Giám đốc Sở GD - ĐT, cũng lên tiếng: "Ngành mầm non là ngành có lợi nhuận thấp nhất. Chính vì thế trường mầm non được thuê đất với giá ưu đãi nhất của Nhà nước. Cần phải giảm thuế hoặc miễn thuế cho các trường. Cần có những quy định nghiêm về việc dành đất để xây trường mầm non cho khu dân cư mới hay khu quy hoạch".

Cần hỗ trợ tài chính

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh đề xuất: “Nên hỗ trợ các nhóm trẻ gia đình nghèo, hoạt động tốt bằng cách sử dụng khoản ngân sách Nhà nước tiết kiệm được từ các trường tự chủ tài chính để cải tạo cơ sở vật chất của các trường mầm non tư thục. Các trường công lập tại địa phương nên hỗ trợ về chuyên môn cho các trường tư thục, nhóm trẻ gia đình cùng địa bàn”.

Bà Thanh cũng đề nghị UBND TP.HCM hỗ trợ mỗi trường mầm non ngoài công lập một khoản kinh phí ở mức 500.000 đồng/trẻ/năm, để giúp các trường này nâng cấp cơ sở vật chất và tăng lương cho giáo viên.

Theo bà Trần Thị Ngọc Anh, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh: “Nhà nước có thể áp dụng chính sách ưu đãi thuế cho các trường mầm non tư thục. Cụ thể là những trường đang trong giai đoạn phát triển hay đang đầu tư cơ sở vật chất thì có thể được miễn thuế hoặc giảm thuế. Đồng thời, các trường cũng cần được cấp/thuê đất với giá ưu đãi hoặc vay vốn với lãi suất thấp”.
Scroll