"Nếu chúng ta thực hiện đúng các yêu cầu nghiêm ngặt của hình thức giáo dục từ xa (GDTX) thì chắc chắn về chất lượng đào tạo, hình thức GDTX sẽ không thua kém so với hình thức đào tạo tập trung" - TS Nguyễn Ngọc Hà quả quyết.
Chạy theo số lượng
Hệ thống GDTX bắt đầu được thành lập từ năm 1994 tại 2 trường ĐH mở, đó là Viện ĐH Mở Hà Nội và ĐH Mở - bán công TP.HCM. Cho đến nay, đã có thêm 8 trường ĐH được Bộ GD-ĐT cho phép tiến hành đào tạo theo phương thức này.
Theo thống kê, những năm qua đã có trên 50.000 học viên tốt nghiệp ĐH GDTX. Đến thời điểm hiện tại, đã có gần 150.000 người đang theo học các chương trình theo hình thức GDTX ở trình độ ĐH. Trong đó, khối ngành sư phạm chiếm gần 50%, tiếp đến là kinh tế, khoa học xã hội nhân văn …
Tiện ích của hình thức GDTX đối với học viên, theo TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện Triết học, là không đòi hỏi sinh viên phải có mặt 100% thời gian ở trên lớp để trực tiếp nghe giảng; tiết kiệm đáng kể chi phí đào tạo...
Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích đó, chất lượng của hình thức GDTX có đảm bảo hay không là vấn đề dư luận hết sức quan tâm.
TS Phạm Minh Việt, Viện trưởng Viện ĐH Mở Hà Nội cho rằng, hiện nhiều người còn hoài nghi về chất lượng GDTX, cho rằng GDTX chưa sánh được với giáo dục chính qui, chưa thể cấp cùng văn bằng chứng chỉ với giáo dục chính qui được vì những lý do như chất lượng “đầu vào”, điều kiện học tập, quy trình kiểm tra - đánh giá...
Những lo ngại trên không phải không có cơ sở, nhất là khi nhìn vào thực tế một số trường và một số cơ sở tiếp nhận GDTX ở địa phương chưa có tổ chức hợp lý, đủ mạnh; chưa có qui trình và biện pháp quản lý đào tạo từ xa chặt chẽ.
Đặc biệt, vẫn còn tình trạng nhiều trường chạy theo số lượng, phát triển quy mô đào tạo quá nhanh so với khả năng đảm bảo vật chất, phương tiện, trang thiết bị và học liệu của nhà trường. Ở từng trường chưa tập hợp được đội ngũ giáo viên, giảng viên giỏi, các nhà khoa học, các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực để tổ chức xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu dùng chung cho một môn học...
Một căn cứ đáng để lo ngại nữa là tuy một số trường như ĐH Sư phạm HN, ĐH Huế công bố tỷ lệ sinh viên theo học GDTX tốt nghiệp trên số nhập học khoảng 70-80%, song theo cảnh báo của Vụ Giáo dục thường xuyên - Bộ GD& ĐT, căn cứ vào những điều kiện thực tế phục vụ cho GDTX lâu nay thì tỷ lệ tốt nghiệp chỉ có khoảng 30-40% phù hợp với yêu cầu chất lượng đào tạo...
Nếu theo quan điểm này thì có không ít học viên GDTX đã tốt nghiệp theo kiểu “học giả, bằng thật”.
Thực hiện đúng yêu cầu nghiêm ngặt của GDTX
Đi tìm lời giải về vấn đề chất lượng cho hình thức giáo dục này, TS Nguyễn Ngọc Hà cho rằng, nguyên nhân của tình trạng GDTX kém chất lượng không phải do bản chất của hình thức này, mà là do chúng ta chưa thực hiện đúng các yêu cầu nghiêm ngặt của GDTX.
"Nếu chúng ta thực hiện đúng các yêu cầu nghiêm ngặt của hình thức GDTX thì chắc chắn về chất lượng đào tạo, hình thức GDTX sẽ không thua kém so với hình thức đào tạo tập trung" - TS Hà quả quyết.
Những yêu cầu cơ bản ấy, cụ thể là đối với từng chuyên ngành đào tạo, phải xây dựng cho được một khung chương trình đào tạo thống nhất trong toàn quốc, có tính hiện đại.
Đối với mỗi môn học (học phần) của từng chuyên ngành đào tạo, phải xây dựng cho được một giáo trình có nội dung hiện đại, những tài liệu tham khảo bắt buộc kèm theo, bài giảng mẫu của những giáo viên tốt nhất, các câu hỏi kiểm tra kiến thức cơ bản và đáp án; tạo điều kiện tối đa để người học được thực hành và đối thoại với giảng viên.
Đặc biệt, việc kiểm tra chất lượng đầu ra phải thực hiện một cách khoa học và nghiêm túc, phải đảm bảo được sự phù hợp giữa "nhãn mác" của sản phẩm (bằng cấp) với chất lượng của sản phẩm (chất lượng đào tạo).
Kiều Ngân