(Dân trí) - Theo chủ trương của Bộ GD&ĐT là thiết bị dạy học phải được cung cấp đủ tới các trường vào đầu năm học 2008 - 2009. Việc đủ trang thiết bị tới các trường đã thuận lợi hơn nhưng chất lượng mới đáng phải bàn.
Chất lượng thiết bị vẫn kém
Sáng nay 20/5, Bộ GD&ĐT đã tổ chức cuộc Hội thảo tổng kết và triển khai công tác sách - thiết bị trường học năm học 2008 - 2009.
Theo báo cáo của Vụ Trung học phổ thông Bộ GD&ĐT đã nêu ra những hạn chế, yếu kém của một số thiết bị như đồng hồ đa năng điện tử trong thí nghiệm Vật lí lớp 11; cân hiện số (chưa chính xác); thiết bị thuỷ tinh dạng ống không có hộp bảo vệ, một số hoá chất còn chưa đảm bảo chất lượng. Mô hình phân tử ADN sản xuất đại trà ở một số đơn vị chất lượng chưa đảm bảo đúng bộ mẫu.
Phòng thí nghiệm môn Hoá học chưa có tủ hút khí độc điều đó làm ảnh hưởng tới tâm lí và sức khoẻ của giáo viên, học sinh. Tranh ảnh, bản đồ ở các môn Địa lí, Lịch sử, Văn học chất lượng giấy rất xấu. Chất lượng băng, đĩa chưa tốt nên chưa phát huy được hiệu quả trong việc dạy và học Ngoại ngữ…
Bên cạnh đó, việc bảo quản các thiết bị dạy học chưa được quan tâm ở một số địa phương đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn tạm bợ, lấy phòng học cũ để chứa tạm các thiết bị nhận về vẫn được nằm yên trong kho. Có những phòng chứa không đúng quy cách, gây tâm lý khó khăn khi ngại sử dụng. Công tác bảo trì thiết bị chưa thực hiện tốt. Nhiều trường chưa có quy chế hướng dẫn sử dụng, bảo quản, bảo trì thiết bị dạy học.
Chậm, kém chất lượng do thiếu năng lực
Việc mua sắm thiết bị dạy học là do các địa phương tự đấu thầu và lựa chọn.
Theo báo cáo của thanh tra Bộ GD&ĐT thì năng lực cán bộ làm công tác thiết bị dạy học còn hạn chế, còn thiếu những tiêu chuẩn để tham gia chấm thầu, lập hồ sơ để triển khai việc mua sắm chưa chặt chẽ vì vậy khi phối hợp với các Sở, Ban ngành khó thống nhất để trình UBND tỉnh, thành phố phê duyệt do đó tiến độ cung ứng thiết bị giáo dục đến các trường quá chậm so với tiến độ năm học.
Bên cạnh đó, nhiều trường trong quá trình nghiệm thu không sử dụng thiết bị dạy học mẫu để đối chiếu so sánh, cán bộ làm công tác còn hạn chế về năng lực, nhiều cán bộ chưa được tập huấn về công tác nghiệm thu vì vậy dẫn đến quy trình nghiệm thu không phát hiện được thiết bị dạy học thiếu chi tiết, kém chất lượng.
Nhiều Sở GD&ĐT chưa chủ động để tập huấn cho giáo viên sử dụng thiết bị dạy học và làm công tác nghiệm thu chờ đơn vị trúng thầu tổ chức tập huấn vì vậy dẫn đến tình trạng khi có thiết bị dạy học thì không có người sử dụng…
Việc thiếu trách nhiệm trong việc bảo quản thiết bị nguyên nhân của tình trạng trên theo ông Lê Quán Tần, Vụ trưởng Vụ THPT - Bộ GD&ĐT là do thiếu định biên cho cán bộ làm công tác quản lý thiết bị. Đội ngũ cán bộ phụ trách thí nghiệm, chủ yếu là giáo viên kiêm nghiệm, chưa qua đào tạo…
Theo báo cáo của Bộ hiện có 12 tỉnh, thành địa phương thiếu thiết bị dạy của năm học 2006 - 2007 và 2007 - 2008 là Cao Bằng, Hoà Bình, Lạng Sơn, Phú Thọ, Phú Yên, Yên Bái, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Bắc Kạn, Hà Tây, Bình Phước, Hưng Yên.
Năm học 2008 - 2009 Ngân sách phục vụ cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông với tổng kinh phí là 222 tỷ đồng để chi cho các nội dung mua sách giáo khoa, sách giáo viên, tài liệu giảng dạy cho giáo viên lớp 12; mua sách giáo khoa cho học sinh lớp 12 thuộc diện chính sách; mua sắm thiết bị dạy học lớp 12; mua bổ sung sách giáo khoa, thiết bị cho các lớp đã thay sách; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên lớp 12.
Hồng Hạnh