'Dùng khăn buộc trẻ - một phương pháp tiêu cực'

"Đọc bài viết về bé trai 2 tuổi bị cô giáo mầm non buộc vào ghế, việc đầu tiên là, cũng như hầu hết những bà mẹ khác, tôi kêu lên phẫn nộ: Tại sao lại có thể đối xử với một đứa trẻ như vậy được! Nhưng sau khi suy nghĩ thấu đáo hơn, tôi thấy cần trao đổi xung quanh vấn đề này", tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh chia sẻ.

Hôm qua, trước thông tin về bé Nguyễn Anh Phi, 2 tuổi (Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội), bị cô giáo "buộc vào ghế" vì hay phá lớp, rất nhiều độc giả đã gửi thư bày tỏ các ý kiến khác nhau về điều này.

Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh, chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con, người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục trẻ em, chia sẻ một số điều xung quanh sự việc cụ thể này cũng như việc nuôi dạy trẻ nhỏ nói chung:

Tăng động hay không tăng động?

Trong bài viết có đề cập đến thuật ngữ này. Những năm gần đây, các thuật ngữ “chứng tăng động”, “chứng tự kỷ” được nhắc đến khá nhiều và đôi lúc bị lạm dụng để nói về những đứa trẻ có hiện tượng “hơi khang khác” hoặc có nhiều yếu tố mà người lớn cho rằng là bệnh lý - có thể thuộc tâm bệnh hoặc bệnh về thần kinh. Tuy nhiên, để kết luận được trẻ có chứng tăng động hay tự kỷ hay không lại là việc của các bác sĩ, và cũng chính các bác sĩ hoặc chuyên gia về những chứng bệnh này mới là người đưa ra lời khuyên tốt nhất cho những người trực tiếp giáo dục trẻ. Tuyệt đối không thể tự tiện dùng những biện pháp tiêu cực như khăn trói hay bắt trẻ ngồi riêng một nơi nhìn các bạn ăn rồi mới được ăn cùng... mà không có chỉ định từ phía chuyên gia.

Trong trường hợp bé Anh Phi, người đầu tiên có thể biết được những biểu hiện bất thường về hành vi của bé, tôi cho rằng, phải là người mẹ - người hiểu và thuộc con mình nhất. Vậy tại sao các cô giáo không trao đổi kỹ hơn với mẹ cháu về các phương pháp tiếp cận cháu nếu cho rằng cháu có chứng tăng động? Việc các cô cho rằng, đây là một vấn đề “tế nhị” thì thật sai lầm. Bất kỳ một điều gì khác thường ở đứa trẻ bố mẹ cũng cần biết và đối mặt. Thêm nữa, khi có một đứa trẻ có chứng tăng động hoặc tự kỷ, tùy theo mức độ bệnh của bé, cũng có thể ghi nhận những ảnh hưởng tiêu cực đến các bạn khác trong lớp. Vậy nhiệm vụ của các cô giáo là luôn luôn phản ánh trung thực tình trạng tâm lý và hành vi của cháu ở trên lớp, từ đó mới cùng nhau tìm ra hướng hỗ trợ cháu, chứ không nhất thiết phải đi đến phản ứng tiêu cực là không nhận cháu vào học.

Đương nhiên, để làm được điều này, cần phải có một sự tương đối vững vàng về nghiệp vụ. Đối với một cô giáo dạy trẻ, việc luôn trau dồi học tập, nắm vững tâm lý trẻ và phương pháp giải quyết các vấn đề của trẻ là việc cần thiết mà mỗi cơ sở giáo dục, kể cả tư nhân lẫn trường công đều phải quan tâm. Nên chăng mỗi năm có những khóa học cùng chuyên gia nhằm trang bị kiến thức cơ bản về tâm lý trẻ, về cả các chứng bệnh về tâm thần và thần kinh ở trẻ, cách giao tiếp và phương pháp điều chỉnh hành vi cho trẻ trong các tình huống, trạng thái tâm lý khác nhau?

Nếu không có sự hỗ trợ về kiến thức như thế từ phía nhà trường, các cơ sở giáo dục thì các cô giáo hẳn cũng như người mày mò đi trong sương mù vậy! Việc các cô giáo trường Little Angel có phương pháp chưa hợp lý để điều chỉnh hành vi cho bé Anh Phi là một ví dụ. Việc cô giáo buộc cháu vào ghế không thể nói là không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với tâm lý của cả Anh Phi lẫn các cháu khác trong lớp.

Các hình phạt

Hẳn bạn cũng đồng ý với tôi rằng đứa trẻ nào cũng có thể mắc lỗi - và cái lỗi của trẻ không phải tương đương như cái lỗi mà người lớn mắc phải. Một người lớn đã trưởng thành, hiểu biết các quy tắc đồng thuận với cộng đồng, nếu phạm lỗi phải trả giá cho sai lầm của mình bằng cách chịu các hình phạt. Ngược lại, đứa trẻ của bạn đang trên con đường học trở thành người lớn, học cách sống theo các nguyên tắc xã hội, nếu có lỗi sai là bé chưa hiểu, chưa thấm hoặc chưa có kỹ năng để tuân thủ những nguyên tắc ấy. Người lớn cần đồng hành với trẻ trong việc nhận biết lỗi sai và biết cách làm đúng. Đó là:Bây giờ gạt sang một bên chi tiết cháu Anh Phi có tăng động hay không tăng động, tôi muốn chia sẻ đôi chút với các nhà sư phạm cùng các bậc phụ huynh những suy nghĩ của tôi về các cách xử lý mà nhà trường thường áp dụng với trẻ mỗi khi trẻ có lỗi hoặc - như ở trường hợp Anh Phi - muốn ngăn chặn trẻ mắc lỗi.

- Phải truyền đạt thông tin đến trẻ một cách dễ hiểu nhất

- Hướng dẫn cho trẻ cách thực hiện.

- Cuối cùng mới là các hình phạt.

Các hình phạt đối với trẻ không phải là sự “trả giá” của trẻ về lỗi sai mà mục đích là để cho trẻ nhớ, hiểu ra và thấm thía những điều nên hay không nên làm. Từ mục đích đó, cộng thêm sự thấu hiểu đứa trẻ qua sự quan sát chăm bẵm hàng ngày, những người lớn sẽ tìm ra cách phạt thế nào hợp lý, có hiệu quả lại không ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý của trẻ.

Cá nhân tôi phản đối các hình phạt như nhốt trẻ vào buồng tối, đuổi ra khỏi lớp, đánh trẻ, véo tai, cốc đầu... - những hình phạt này cho thấy sự bất lực của người lớn. Trẻ hẳn sẽ rất nhớ và rất sợ. Thậm chí có đứa trẻ bị ám ảnh đến nỗi mơ hoảng, tè dầm, sợ bóng tối, sợ đi học... Ở trường hợp ngược lại, trẻ có những biểu hiện bất cần, bất hợp tác vì nó thấy rõ ràng là nó bị đánh giá rất thấp trong mắt cô giáo hay người lớn. Những hình phạt như để các bạn lêu lêu trước lớp, cô giáo mỉa mai, đưa ra trước lớp làm gương xấu... hay bất kỳ điều gì khiến trẻ xấu hổ đều là những phương pháp phản giáo dục.

Vậy nên dùng hình phạt nào? Mỗi một đứa trẻ là một cá thể đặc biệt, không đứa nào giống đứa nào, tôi cũng không thể đưa ra những giải pháp tối ưu nếu tôi không biết đứa trẻ ấy. Song luôn có một số nguyên tắc chung là:

- Hình phạt đưa ra phải được sự đồng thuận, tâm phục khẩu phục của trẻ. Nghe tưởng là mâu thuẫn - “Đã phạt lại còn phải hỏi ý kiến ư?” - nhưng đây mới là thể hiện rằng hình phạt người lớn đưa ra có căn cứ, có lý, có tình chứ không phải để cho “hả tức”. Mỗi khi đề ra nguyên tắc nào với trẻ, bạn hãy thống nhất ngay “hình phạt” trong trường hợp nguyên tắc bị vi phạm. Và khi áp dụng, bạn hãy phân tích rõ vì sao lại phạt trẻ.

- Hình phạt đưa ra với sự kiên quyết được thể hiện bằng ngôn ngữ, bằng vẻ mặt, nhưng vẫn làm sao cho trẻ hiểu rằng, người lớn vẫn yêu trẻ, không ghét trẻ.

- Người lớn phải giữ nguyên tắc một cách tuyệt đối và rất công bằng - không phải hứng lên là phạt, hứng lên là tha. Đã đề ra nguyên tắc thì phải theo đến cùng, thống nhất trong mọi trường hợp, với tất cả các bé.

- Cho trẻ có một khoảng lặng cần thiết để suy nghĩ về hành vi của mình. Ngay thời điểm ấy, trẻ có thể bướng hoặc tự ái, không xin lỗi ngay. Chớ dùng mọi cách để ép bằng được trẻ nói lời xin lỗi.

- Với trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo hoặc bé hơn, hình phạt không nên kéo dài lâu. Ví dụ, để bé đứng ở góc nhà “để suy nghĩ về việc này” thì chỉ đứng trong vòng 2 đến 3 phút, cùng lắm là 5 phút ở trẻ mẫu giáo lớn - một cách nghiêm túc. Thái độ người lớn là đề nghị trẻ đứng yên suy nghĩ, người lớn cũng im lặng, một cách buồn rầu chứ không phải... đắc thắng vì bắt được lỗi trẻ. Sau đó, khi qua vài phút im lặng như vậy, hãy kéo trẻ lại, nhìn vào mắt trẻ và nhắc lại quy tắc mà trẻ cần hiểu, đồng thời thể hiện cho trẻ thấy, người lớn sẵn sàng hỗ trợ trẻ sửa sai. Lúc bấy giờ, bạn có thể ôm lấy trẻ, cho trẻ cảm thấy yên tâm.

- Không nhắc đi nhắc lại lỗi sai trẻ từng phạm trong quá khứ. Mỗi một hình thức phạt để trẻ nhớ chỉ áp dụng cho một sự việc cụ thể, ở thời hiện tại, chứ không nhân tiện mà kể lể chuyện cũ.

- Không bao giờ đánh giá trẻ trước mặt các bạn với những từ: hư, không nghe lời, không ngoan, dốt, kém… Những lỗi trẻ gây ra, hãy dùng những từ khác để nhận xét, chẳng hạn: bạn A đã không cẩn thận đánh vỡ cốc; bạn B đã quá nóng tính mà đánh bạn C đau quá… Tuyệt đối không kết luậntrẻ ngoan hay hư. Với người lớn, lời nói chỉ là lời nói. Với trẻ con, đó là những lời đánh giá quan trọng khiến trẻ tự đánh giá mình. Tôi lấy ví dụ, tôi biết đứa trẻ lần đầu tiên đi học lớp 1, bị cô giáo chê là “dốt”, sau đó, bé vẫn tự coi mình là “dốt” kể cả khi cuối năm bé đạt học sinh giỏi!

Câu chuyện nuôi dạy một con người

Gần đây trên báo chí, chúng ta được (bị) đọc rất nhiều thông tin về nạn bạo hành trẻ em, vô tình hoặc cố ý. Chẳng hạn, vụ cô giáo cho trẻ vào thang máy để đồ ăn - theo tôi là nạn bạo hành “vô tình” do trình độ nhận thức của người lớn. Nhân chuyện bé Anh Phi, tôi cũng muốn lạm bàn đôi chút. Tôi thấy xung quanh biết bao nhiêu hình thức đối xử kỳ lạ với trẻ chỉ vì người lớn muốn trẻ... ăn tốt. Nào buộc dây vào người, lấy chân đè ngực trẻ, giữ tay chân bắt nuốt, xúc cháo thật nóng để... không thể không nuốt, trớ ra bắt ăn lại... Tất cả những điều đó xảy ra xuất phát từ quan điểm: Trẻ cần được ăn uống tốt, lên cân nhanh - thế mới là nuôi con khéo.

Nhưng hỡi những người lớn, chúng ta đang nuôi dạy một con người! Con người ấy có cảm giác riêng, có cảm xúc vui buồn, có yêu thích, có khẩu vị riêng, có lúc mệt mỏi thì cũng biếng ăn, lúc ăn mãi một món thì cũng biết chán, có lúc có vấn đề về tâm lý thì có những triệu chứng tiêu hóa kém... Tôi nhớ mãi lời một bà bác sĩ dinh dưỡng người Nga: “Đối với trẻ, là một con người, ăn uống rất quan trọng, nhưng không là điều quan trọng duy nhất!”. Nếu bố mẹ, cô nuôi trẻ xác định được điều này, hẳn đã không có những cách cư xử lệch lạc như đã nói trên với trẻ chỉ để trẻ ăn được một bữa ăn.

Thêm nữa, các bậc phụ huynh, trong cái thời ai cũng bận rộn này, hãy gắng dành đôi ba phút trò chuyện cuối ngày cùng bé con của mình, chớ ỷ lại vào nhà trường, cô giáo, ông bà, người giúp việc... Có như thế, bạn mới kịp thời nhận thấy những bất thường ở con, hoặc đơn giản chỉ là kịp thời chia sẻ những áp lực từ phía xã hội vô tình ảnh hưởng đến đứa con yêu quý của mình.

Nếu người làm cha làm mẹ quan sát con thường xuyên, hẳn sẽ nhận biết sớm những bất cập có thể có từ phía cô giáo, nhà trường để can thiệp đúng lúc. Những trao đổi chân thành, cởi mở và cả kiên quyết (nếu cần thể hiện quan điểm) với các cô giáo sẽ là cơ sở để hai bên cùng tìm ra cách thức hợp lý tiếp cận với trẻ. Một con người luôn cần được nâng niu!

Nguyễn Thụy Anh

Scroll