Trước thực trạng thừa trường đại học, thiếu trường mầm non, nguyên Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Trần Xuân Nhĩ cho rằng đó là do lỗi quản lý của nhà nước, thiếu chế tài trong quá trình thực hiện
- Là người từng nắm cương vị lãnh đạo trong ngành giáo dục, ông đánh giá thế nào về thực trạng của hệ thống giáo dục mầm non?
- Giáo dục mầm non đang thực hiện nhiều tiến trình nhằm đạt mục tiêu tất cả trẻ đều được đến trường. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể quốc gia còn ẩn chứa nhiều gam màu xám với những nhóm thiệt thòi chưa được cải thiện.
Nếu như giáo dục mầm non ở thành phố rất phát triển thì những vùng xa khu đô thị lại rất nghèo nàn. Sự bất bình đẳng giữa nhóm trẻ ở các vùng miền sẽ còn kéo dài do các yếu tố đói nghèo, dinh dưỡng, thiếu giáo dục trước tuổi.
Một thực tế đáng buồn nữa là chúng ta đang thiếu trường mầm non trầm trọng ở cả hệ công lập và tư thục.
- Nhằm phổ cập giáo dục mầm non, ngành giáo dục đang có chính sách ưu tiên cho trẻ 5 tuổi đến trường, ông nhìn nhận thế nào về việc này?
- Do trường thiếu nên chúng ta mới cần có chính sách ưu tiên để đảm bảo trẻ lên lớp 1 đúng độ tuổi. Tuy nhiên tại một số nơi, để đảm bảo cho trẻ 5 tuổi đến trường, các cơ sở giáo dục đã "dẹp" trẻ ở độ tuổi khác. Làm như vậy là không đúng. Lẽ ra để thực hiện chính sách ưu tiên, họ phải tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, có chính sách tạo điều kiện mới đúng. Nếu chỉ đảm bảo cho học sinh 5 tuổi đến trường thì chúng ta sẽ bỏ đi nguồn tài nguyên rất lớn, bỏ qua vấn đề phát triển nhân tài bởi thời kỳ vàng của trẻ là 0-6 tuổi, đặc biệt là 0-3 tuổi.
- Để khắc phục tình trạng vừa thiếu, vừa yếu của giáo dục mầm non, theo ông cần làm gì?
- Để thay đổi điều này, chúng ta cần có các chính sách đúng đắn, chú trọng vào xã hội hóa giáo dục. Thời gian qua, tôi thấy nhà nước chuyển các trường mầm non bán công thành công lập. Điều này là chưa hợp lý bởi vì sức chúng ta không có, nhà nước làm sao có thể bao hết. Tôi cho rằng nên chuyển các trường này thành tư thục, nhà nước hỗ trợ đất đai, đào tạo giáo viên nhưng có sự hỗ trợ của tư nhân. Như vậy sẽ khả quan hơn.
Theo nguyên Thứ trưởng Giáo dục Trần Xuân Nhĩ, những bất cập của giáo dục mầm non là do sự quản lý của nhà nước. Ảnh: Hoàng Thùy.
Tôi lấy ví dụ thực tế, khi còn ở hội khuyến học, tôi đã thực hiện phổ cập giáo dục mầm non ở xã Thanh Cao (Thanh Oai, Hà Tây cũ) từ chỗ 30% trẻ đến trường lên 90% sau 2 năm. Lúc đầu tôi hô hào mở các lớp học gia đình bởi tôi nhận thấy ở nông thôn có nhiều nhà rất khang trang, rộng rãi, có sân vườn nhưng chỉ 2 vợ chồng ở. Ban ngày họ đi làm thì nhà bỏ không. Nhưng để làm được cần phải có "mồi", cũng giống như đi câu, phải bỏ mồi mới câu được cá.
Lúc đó còn làm Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, tôi lên xin Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em 100 triệu để phát triển mầm non. Họ bảo sẵn sàng chi để xây 2 phòng học, đảm bảo cho 60 trẻ đi học. Nhưng tôi không đồng ý, với 100 triệu đó tôi chỉ cho tận dụng cơ sở vật chất của gia đình để mở lớp học mầm non. Mỗi lớp cho một triệu để mua đồ chơi, còn ngành giáo dục chịu trách nhiệm đào tạo giáo viên.
Bằng cách làm đó, tôi mở được 130 lớp với 2.600 trẻ được nhận vào học. Về sau 130 lớp đó nhiều lớp trở thành trường mầm non, được địa phương hỗ trợ. Vấn đề học sinh mẫu giáo được giải quyết.
- Ngoài việc thiếu cơ sở vật chất, người dân cũng chưa hài lòng với chất lượng giáo dục mầm non, đơn cử như lo lắng tình trạng bạo lực ở các trường học, nhóm trẻ. Theo ông nguyên nhân của tình trạng này là gì?
- Bạo lực với trẻ em vẫn xảy ra ở một số nơi, từ một số giáo viên. Tôi cho rằng đây là lỗi ở công tác đào tạo. Chúng ta chưa đào tạo một cách đầy đủ cho những người đứng ra mở mầm non gia đình nên họ không hiểu được những hành động bạo lực ảnh hưởng như thế nào đến trẻ con.
Trách nhiệm này thuộc về ngành giáo dục, lẽ ra trước khi người ta muốn mở trường, nhóm trẻ thì phải đào tạo họ những kiến thức cần thiết. Kết quả kiểm tra kiến thức của họ sau khóa học sẽ quyết định có cho thành lập hay không, chấm dứt tình trạng cứ có tiền là lập trường.
Việc đào tạo giáo viên cũng cần thay đổi bởi ngay cả các trường sư phạm hiện nay còn nhiều bất cập. Các em học lý thuyết nhiều hơn thực hành. Ở các nước phát triển như Singapore, họ đào tạo lý thuyết chừng mực, còn thực hành nhiều như việc bế trẻ, tắm, cho trẻ ăn, đối xử với trẻ như thế nào... Tất cả điều đó là qua thực hành mà thành kỹ năng. Chỉ học lý thuyết trên lớp mà không bắt tay vào làm việc thì mất thời gian mà không chất lượng.
'Không thể vì ưu tiên cho trẻ 5 tuổi đến trường mà bỏ qua các trẻ độ tuổi khác bởi mầm non, mẫu giáo là thời kỳ vàng để trẻ phát triển tư duy", GS Trần Xuân Nhĩ nói. Ảnh minh họa: Hoàng Thùy.
Mặt khác, cần khuyến khích xây dựng các trường có không gian mở. Các lớp 3-5 tuổi sẽ sắp ghế ngồi trong không gian rộng để các cô giám sát lẫn nhau, trẻ cũng có không gian rộng để hoạt động, vui chơi.
Trong điều kiện hiện nay, tôi kiến nghị cho trẻ vào học trong các nhà cao tầng, khu chung cư. Mỗi khu đều có một phòng học, chỉ cần đảm bảo cho 100-150 trẻ học tập thì cư dân ở đó sẽ rất hạnh phúc. Sáng đưa con đến, chiều đón con về trong khu nhà mình ở còn giải quyết được nạn ách tắc giao thông. Để làm được điều này thì nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, bởi nếu để nhà đầu tư cho thuê thì giá rất đắt, các khu nhà không thể có tiền cho trẻ đi học.
- Một số lượng lớn trẻ em là con công nhân các nhà máy, xí nghiệp chưa được đến trường, ông có đề xuất gì để cải thiện tình trạng này?
- Nhà nước cần phải có chế tài. Các ông chủ công ty, xí nghiệp rất giàu có, họ phải có trách nhiệm đối với trẻ em là con những người lao động đang tạo ra lợi nhuận cho mình.
Việc nghiên cứu số lượng công nhân, số lượng trẻ em và đề nghị kinh phí xây dựng cơ sở vật chất đảm bảo môi trường học tập cho các cháu nằm trong tầm tay của nhà nước. Nhưng lĩnh vực này lại đang bị nhà nước bỏ trống. Nếu Chính phủ quy định rõ ràng: không xây trường thì đóng cửa xí nghiệp họ có dám lơi là không.
Nếu tôi có quyền, tôi sẽ ra lệnh tất cả công ty, xí nghiệp trong một tháng phải xây trường học cho trẻ em, nếu không làm sẽ đóng cửa sản xuất. Mỗi xí nghiệp có hàng nghìn tỷ, bỏ ra 500-700 triệu và một khoảng trống vài trăm mét vuông chẳng đáng là bao. Vấn đề đều ở chế tài của mình, ở sự quản lý của nhà nước.
Hoàng Thùy ghi