Giáo dục mầm non: Chất lượng yếu kém

Hôm qua (7/8), Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đã diễn ra hội nghị triển khai nhiệm vụ giáo dục mầm non năm học 2008 - 2009. Tại hội nghị bà Lê Minh Hà...

35% nhóm trẻ gia đình hoạt động chui...

Hiện nay cả nước có trên 12.300 trường giáo dục mầm non, trong đó có khoảng 50% là trường công lập, còn lại là trường bán công, tư thục, dân lập. Riêng cơ sở giáo dục mầm non đạt con số khổng lồ với trên 21.700 cơ sở. Điều đáng nói là trong gần 6.000 cơ sở tư thục, chỉ có trên 3.800 cơ sở được cấp phép (đạt 65%), khoảng 2.200 cơ sở còn lại (35%) là hoạt động chui.

Trong khi đó, cơ sở giáo dục mầm non mới lại liên tiếp mọc lên như nấm. So với năm học 2006 - 2007 thì năm học 2007 - 2008 tăng thêm gần 1.000 cơ sở tư thục và trên 2.800 nhóm trẻ gia đình. Thế nhưng thực tế công tác quản lý các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhất là các cơ sở giáo dục mầm non tư thục và nhóm trẻ gia đình ở một số tỉnh, thành còn lỏng lẻo. Chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ còn hạn chế, yếu kém, gây nên những bức xúc cho xã hội.

Chưa kể, theo bà Lê Minh Hà, có sự chênh lệch khá lớn trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục mầm non giữa các vùng, miền. Tỷ lệ huy động trẻ năm tuổi đến trường ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa chưa cao, hầu hết trẻ mới được học một buổi/ngày. Việc chuẩn bị tiếng Việt chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu chuẩn bị kiến thức và tâm thế cho trẻ vào học lớp một đạt kết quả.

Cán bộ quản lý cũng không đạt chuẩn...

Theo bà Lê Minh Hà, ở các thành phố lớn vẫn còn tình trạng mâu thuẫn giữa nhu cầu gửi trẻ ngày càng tăng đối với khả năng đáp ứng nhu cầu của cấp học. Cán bộ, giáo viên quản lý còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, nhất là ở các tỉnh miền núi, vùng đồng bào dân tộc.

Mặc dù tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn khá cao nhưng chất lượng chưa tương xứng với trình độ đào tạo, chủ yếu đào tạo từ xa, nâng chuẩn nên còn nhiều hạn chế về mặt phương pháp chăm sóc, giáo dục trẻ. Hàng loạt tỉnh, thành có số lượng giáo viên chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn để đáp ứng tốt yêu cầu giáo dục trẻ. Ngay cả tỷ lệ cán bộ quản lý của nhiều tỉnh cũng chưa đạt chuẩn cao như Bình Phước (42%), Ninh Thuận (16%), Trà Vinh (22%)...

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh, nhiệm vụ sắp tới của các sở GD&ĐT trong cả nước là “Tập trung thực hiện kế hoạch đổi mới mục tiêu, nội dung chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên mầm non. Thực hiện quản lý và đánh giá giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên bậc học này”...

Tuy vậy, nhiều đại biểu là lãnh đạo bậc học giáo dục mầm non của các địa phương bức xúc về chế độ, chính sách cho giáo viên mầm non ngoài công lập còn nhiều bất cập, thu nhập thấp dẫn đến đời sống giáo viên còn nhiều khó khăn, nhiều giáo viên chưa yên tâm công tác và đã bỏ nghề. Đại diện nhiều sở GD&ĐT các tỉnh Hà Nội, Thái Bình, Đồng Nai, Vũng Tàu... cho biết, mỗi năm các tỉnh này có đến hàng chục ngàn giáo viên mầm non bỏ việc vì các chế độ đãi ngộ, thu nhập quá thấp.

Trong phương hướng giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT yêu cầu các sở GD&ĐT tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố chú trọng vấn đề quy hoạch mạng lưới trường lớp; tham mưu với chính quyền các cấp, các doanh nghiệp lớn ưu tiên đầu tư kinh phí để mở rộng quy mô trường lớp, đáp ứng nhu cầu gửi con trẻ của các phụ huynh ngày càng tăng mạnh.

(theo Pháp luật TP.HCM)

Scroll