Hàng loạt giáo viên mầm non dân nuôi bỏ dạy

Theo bà Phạm Bích Luân, trưởng phòng Mầm non, Sở GD-ĐT tỉnh Tuyên Quang, từ đầu năm đã có 50 cô trong toàn tỉnh bỏ dạy, còn thời điểm sau Tết đến giờ Sở chưa kịp thống kê. Tại trường Mầm non Thượng Lâm, toàn bộ hơn 20 giáo viên dân nuôi đã làm đơn nghỉ dạy.

Mức thu học phí ở trường mầm non tại tỉnh Tuyên Quang theo quy định là 10 nghìn/tháng/cháu, nhưng có nơi chỉ thu được 5, 6 nghìn như tại Năng Khả (Na Hang), những bản xa hơn như Nà Ta, Cốc Phát (Thượng Lâm) còn không thu được đồng nào. Lương thấp, điều kiện dạy học lại vất vả, nên hầu hết giáo viên đều bỏ nghề.

Theo số liệu của Sở GD-ĐT tỉnh Tuyên Quang, toàn tỉnh hiện có hơn 2.000 giáo viên mầm non dân nuôi, giáo dục mầm non dựa phần lớn vào lực lượng này. Trong những năm gần đây, con số này đang giảm dần vì một số cô bỏ dạy và một số chuyển sang các tỉnh khác có chế độ tốt hơn. 

Có phải lương quá thấp?

Bà Phạm Bích Luân - Trưởng phòng Mầm non, Sở GD-ĐT tỉnh cho biết, từ đầu năm đã có 50 cô trong toàn tỉnh bỏ dạy, còn thời điểm sau Tết đến giờ Sở chưa kịp thống kê. Tại Trường Mầm non Thượng Lâm (Na Hang) toàn bộ giáo viên dân nuôi (hơn 20 cô) đã làm đơn nghỉ dạy.

Cô Chẩu Thị Ngay, Hiệu phó nhà trường cho biết, dù đã tìm mọi cách, nhưng cho đến thời điểm này đã không thể vận động được nữa. Bắt đầu từ ngày thứ 2 (7/4), toàn bộ các lớp học của giáo viên dân nuôi sẽ đóng cửa.

Từ mấy năm nay, trường chỉ duy trì được 1 buổi học/ngày vì mọi thứ đều tăng giá, trong khi đó lương của giáo viên dân nuôi thì không tăng. Hiện tại, chế độ cho cô giáo dân nuôi là 450 nghìn/tháng đối với vùng sâu, 360 nghìn/tháng đối với vùng ngoài, được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cộng với số tiền do dân đóng góp, sau khi nộp kho bạc sẽ cân đối chi trả cho các cô.

Với chính sách này, ngay ở thị xã, nơi không bị thất thu, lương của các cô cũng chỉ được khoảng 700, 800 nghìn/tháng. Ở những xã vùng sâu, thu nhập của các cô còn thấp hơn vì không thu được tiền của các cháu.

Mức thu theo quy định là 10 nghìn/tháng/cháu, nhưng có nơi chỉ thu được 5, 6 nghìn như tại Năng Khả (Na Hang), những bản xa hơn như Nà Ta, Cốc Phát (Thượng Lâm) còn không thu được đồng nào. Hễ nhắc đóng tiền là các cháu nghỉ hết, cô giáo phải đến tận nhà vận động đi học lại.

Lương thấp, điều kiện dạy học lại vất vả. Cơ sở vật chất của hầu hết các trường mầm non là hết sức tạm bợ. Toàn huyện Na Hang có 17 xã, thị trấn, nhưng chỉ có 6 trường mầm non, còn lại đều là các trường liên cấp.

Sáu trường mầm non này tuy tách ra về hành chính, nhưng vẫn cứ phải chung cơ sở vật chất với trường tiểu học. Cơ ngơi của trường chỉ là một vài lớp học bằng gỗ tồi tàn và một căn phòng "đa năng" là nơi sinh hoạt của toàn bộ giáo viên và ban giám hiệu. Có bản không có trường lớp, cô giáo phải dạy và ngủ nhờ ở nhà dân.

Hiện tại, các cô giáo mầm non đều phải sống dựa vào chồng về kinh tế và có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Bỏ dạy rồi các cô cũng chưa biết ở nhà làm gì vì đa phần họ đều không có ruộng, không có vốn.

Không có cơ hội vào biên chế

Với mức lương 40, rồi 60, 80… nâng dần lên 240 nghìn và bây giờ là 450 nghìn, các cô giáo vẫn cố bám trụ chỉ để chờ được vào biên chế. Thế nhưng, cho đến thời điểm này, nhiều cô đã đứng lớp được 7, 8 năm vẫn chưa thấy le lói chút hi vọng nào.

Theo ý kiến của những người trong cuộc, một trong những nguyên nhân khiến các cô bỏ dạy là sự dè dặt của tỉnh trong việc thực hiện Quyết định 161 của Chính phủ. Trong khi các tỉnh bạn hiểu rằng giáo viên vùng sâu, vùng xa có trình độ đạt chuẩn là được vào biên chế, thì Tuyên Quang vẫn thực hiện mỗi điểm trường chỉ cần 1, 2 biên chế, còn lại đều là hợp đồng dân nuôi.

Các tỉnh như Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Cao Bằng… năm ngoái được 600, 700 giáo viên vào biên chế thì Tuyên Quang chỉ được 32 người, năm nay chưa có trường hợp nào. Các cô giáo dân nuôi rất nỗ lực chuẩn hoá trình độ để được xét, nhưng cơ hội xem ra vẫn rất xa vời.

Chính điều này khiến cho Tuyên Quang đang thất thoát dần nguồn nhân lực, rất nhiều giáo viên đã chuyển sang tỉnh khác. Cô Ngay cho biết, 3 giáo viên của trường chuyển đi Hà Giang đã được vào biên chế với mức lương 2 triệu 6/tháng.

Bà Phạm Bích Luân cho biết theo hội thảo gần đây, trong 15 tỉnh phía Bắc, Tuyên Quang vẫn dẫn đầu về tỷ lệ thu hút trẻ ra lớp. Phải chăng chính thành tích này khiến cho giáo dục Tuyên Quang tỏ ra chủ quan?

Cần phải nhấn mạnh rằng ở những tỉnh vùng cao, giáo dục mầm non đóng vai trò hết sức quan trọng. Đối với trẻ em các dân tộc Tày, Dao, Mông… thì lớp mẫu giáo là nơi các em làm quen với tiếng phổ thông, phát triển kỹ năng nghe nói. Chiếm phần lớn trong số các em ngồi nhầm lớp những năm trước là do nghe, nói, đọc, viết chưa thạo, nên không theo nổi chương trình.

Hiện nay, ưu tiên của những trường có giáo viên nghỉ dạy là giữ lớp 5 tuổi để chuẩn bị cho các em vào lớp 1. Như ở Thượng Lâm, cô hiệu phó sẽ phải phụ trách khoảng 50 cháu 5 tuổi trong toàn xã. Những cháu nhà xa đành chịu thiệt thòi, vì trường không có đủ giáo viên để duy trì các điểm học khác. Trước mắt là như vậy, còn về lâu dài, nhà trường cũng đành phải nhờ vào các ban, ngành hỗ trợ để các cô tiếp tục đứng lớp.

Bà Luận cho biết, đợt tới có hơn 50 người nghỉ hưu nên Sở đang đề nghị Phó Chủ tịch tỉnh cho tuyển dụng những người đã cống hiến 5 - 7 năm, trình độ chuẩn, có thành tích như: là giáo viên dạy giỏi hoặc tổ trưởng chuyên môn. Dự kiến tháng 7 này sẽ làm ở thị xã.

Theo cô Dư - người đã có 8 năm đứng lớp thì các cô vẫn chờ đợi chế độ được cải thiện, là sẽ quay lại làm việc

Theo Vũ Hân
CAND

Bình luận trao đổi

Hãy chắc chắn rằng bạn nhập vào ( ) thông tin cần thiết mà chỉ ra. HTML code đang không được phép .

 
 
   
 
 
Scroll